Câu chuyện ngăn bê tông hóa tại Phú Quốc

Sau khi Phú Quốc ngập lớn, cảnh báo quá trình bê tông hóa, giới chuyên môn cho rằng hòn đảo ngọc giờ đây cũng giống như các tỉnh miền Trung, bãi biển bị lấp đầy bởi những công trình xây dựng như “thành lũy”.

PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), đã có những đánh giá và nhìn nhận rất thực tế vào Phú Quốc hiện tại, hệ sinh thái đang đứng trước mối đe dọa khi hàng loạt dự án được ồ ạt cấp phép, vượt quá sức tải của môi trường.


Ông Tuấn cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến trận ngập lụt vừa qua, vừa chịu tác động từ thiên nhiên, vừa không tránh khỏi yếu tố con người.

Theo đó, lượng mưa trong những ngày qua ở Phú Quốc bằng khoảng 1/3 của trung bình cả năm. Sự thất thường của thời tiết đã ảnh hưởng không riêng gì Phú Quốc mà cũng gây ra nhiều biến đổi ở các tỉnh thành khác. Xét về yếu tố con người, quá trình đô thị hóa tại Phú Quốc diễn ra quá nhanh nhưng hệ thống thoát nước lại không đi cùng tiến độ, dẫn đến tình cảnh lênh đênh trong suốt hơn 10 ngày vừa qua. Nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng hệ thống cống rãnh chưa cải tạo, tình trạng phá rừng vẫn lén lút diễn ra, phá vỡ cấu trúc tự nhiên và “hành lang” bảo vệ cho chính đời sống cư dân.

Nhìn nhận một cách thực tế, Phú Quốc bây giờ đã bị lấp đầy bởi các nhà hàng, khu resort dọc theo bờ biển - chặn đứng hệ thống thoát nước tự nhiên.Những công trình với phần móng được đổ cao chưa một con đê, “cô lập” khu vực bên trong. Chủ đầu tư chỉ nhìn theo số liệu cũ mà không lường trước hết được những diễn biến ngày càng thất thường của thời tiết.


Trước thực trạng bê tông hóa đáng báo động, ông Tuấn cho rằng Phú Quốc cần có động thái mạnh mẽ để siết chặt quản lý cấp phép và tăng cường cải tạo hệ thống thoát nước. Nhiều hòn đảo, quốc gia trên thế giới còn nghiêm ngặt giới hạn khách du lịch để giảm thiểu lượng rác thải trong khi chúng ta còn quá dễ dãi với câu chuyện này, chờ đợi vào những phương án hỗ trợ khác. Phú Quốc chỉ “ào ào” cấp phép mà không quan tâm đến các kiều kiện đi kèm về cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước hay xử lý rác thải. Cộng với lỏng lẻo trong quản lý, Phú Quốc nhanh chóng trở thành nạn nhân của quá trình bê tông hóa “không tầm nhìn”. Tốt hơn hết, Phú Quốc nên nhìn nhận lại sức tải của môi trường trước khi phê duyệt cho sự xuất hiện của bất kỳ dự án nào. Đừng vì quá nôn nóng thay đổi diện mạo đô thị mà vô tình đẩy địa phương vào những hệ quả khôn lường của sức nóng kinh tế.

Câu chuyện về trận ngập lịch sử tại Phú Quốc vừa qua cũng là bài học lớn cho SaPa, Đà Lạt, Hạ Long,...Cần áp dụng nhanh chóng Luật Quy hoạch, nghĩa là có quy hoạch tích hợp, tương thích hài hòa những quy hoạch ngành. Muốn xây dựng hay cấp phép dự án nào, đểu phải xem xét quy hoạch tổng thể tất cả các lĩnh vực có phù hợp không. Khắc phục những hệ lụy của bê tông hóa không phải là điều đơn giản, những không có nghĩa rằng khó thì chúng ta không làm.
Xem thêm:
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Recent Posts

3/recent/post-list

Popular Posts

Bài viết MỚI NHẤT

Pages