Theo các bản tin thị trường vừa qua, Alibaba là một trong nhiều trường hợp lừa đảo bất động sản đáng chú ý ở diễn biến nửa đầu năm 2019. Trước những điều kiện thuận lợi từ thời đại, xã hội, các dự án ma có cơ hội tung hoành và “lây lan” trên diện rộng, khiến cơ quan quản lý phải đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi cao hơn về cơ chế giám sát, xử lý.
Trao đổi về trường hợp của Alibaba, Luật sư Trần Tấn Tài đã chỉ ra những sai phạm của công ty địa ốc này trong thời gian vừa qua.
Vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, chống người thi hành công vụ
Trước hết, phải nhìn nhận rằng, Công ty Địa ốc Alibaba, thực chất không phải chủ đầu tư mà chỉ là tự xưng chủ đầu tư để bán dự án cho khách hàng. Điều này tạo ra khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý, khi Alibaba chỉ là đơn vị môi giới, trực tiếp thu tiền khách hàng nhưng việc họ có chuyển tiền lại cho người ủy quyền hay không thì chưa nắm được. Số tiền này liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính: “thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất từ 20%, không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ phần thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%)”.
Về sự việc xảy ra giữa Alibaba với UBND xã Tóc Tiên, Luật sư cho rằng việc dùng loa hò hét, lời lẽ kích động, lăng mạ, xúc phạm để nhằm mục đích cản trở, chống đối không cho đoàn cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ của nhóm nhân viên Alibaba là hành vi vi phạm pháp luật. Đối chiếu theo quy định của Bộ Luật Hình sự, nhóm người này đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Đồng thời hành vi đập phá xe cũng là phá hoại tài sản của nhà nước.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo quan điểm của Luật sư Tài, việc giao dịch những sản phẩm “ma”, không được nhà nước phê duyệt là hoàn toàn trái luật.
Theo Khoản 1, Điều 12 Luật Kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, phía chính quyền địa phương đều đã khẳng định chưa có dự án nào được cấp phép tại các khu đất Alibaba quảng cáo, chỉ đơn thuần là do công ty này tự vẽ, tự tung hô mà thôi. Người bán khi giao dịch cam kết giao sổ cho người mua mặc dù biết không có khả năng ra sổ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhận định về thực trạng phân lô bán nền
Luật sư Tài nhận định, việc cho phép phân lô bán nền trở lại trong Luật Đất đai 2013 dẫn đến vấn đề “hợp pháp” và “không hợp pháp”. Với phân lô bán nền hợp pháp, Luật Đất đai quy định phải có quy hoạch tổng thể, được Nhà nước duyệt quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng.Thế nhưng, một số doanh nghiệp, cá nhân đang lợi dụng quy định này để phân lô bán nền trái phép. Các đối tượng này không được Nhà nước cấp phép để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng vẫn tự vẽ đường, lập các công trình hạ tầng và rao bán.
Việc các địa phương ngăn chặn bằng các điều chỉnh về quy định tách thửa vẫn không thể giải quyết triệt để, mà cần phải có quy định buộc các dự án phân lô bán nền gắn với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc đánh thuế phân lô bán nền hiện chỉ áp dụng với doanh nghiệp, trong khi đó, thực tế những lô đất đều đứng dưới danh nghĩa của cá nhân.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét